Cách trồng nấm tại nhà đơn giản với 5 bước

Trước khi trồng nấm, hẳn bạn phải đi tìm mua phôi nấm đã đúng hem? Nếu có thể nhờ bạn bè có kinh nghiệm chọn phôi nấm chất lượng tốt để cùng đi mua phôi nấm thì quá dễ rồi.

MUA PHÔI NẤM

Mỗi loại nấm sẽ có những đặc tính khác nhau, cách chăm sóc thì cũng gần giống nhau, nên chúng ta sẽ tạm bắt đầu với cách trồng Nấm Bào Ngư xám tại nhà nhé các bạn, bởi đây cũng là loại nấm các bạn tự trồng tại nhà thông dụng nhất.

1. Chọn khu vực đặt phôi nấm đảm bảo sạch

Trong căn nhà nhỏ nhắn của bạn, cần nên chọn một nơi thoáng mát và có ánh sáng tự nhiên, có thể là góc nào đó trong nhà tùy bạn chọn, đảm bảo góc đó không bị tối (thiếu ánh sáng tự nhiên) là được nha.

Nơi đặt phôi nấm sẽ cần tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp và tránh mưa tạt lên bịch phôi nếu bạn không muốn phôi bị hư. Nơi đặt phôi nấm cũng phải tránh gió lùa, vì khi ra nấm mà gặp gió là nấm sẽ bị quéo và khô nhé các bạn.

NÊN gợi ý của Nấm Khỏe có thể là khu vực gara xe có khoảng trống, dưới chân cầu thang hay một căn phòng nào đó trống mà mình không thường xuyên dùng đến. Nếu bạn có gian nhà vệ sinh rộng, không dùng hoặc ít dùng thì cũng có thể đặt ở đó (tuy nhiên bất đắc dĩ thôi nghen).

TRÁNH đặt phôi ở ban công, sân thượng, cửa sổ hay các vị trí ngoài trời để tránh hư hỏng phôi và nấm. Bên cạnh đó cũng tránh đặt phôi nấm ở phòng ngủ, phòng khách nơi mà chúng ta thường xuyên ngồi xem tivi hay ngủ, vì bào tử nấm phát tán ra sẽ không tốt cho hệ hô hấp khi hít phải.

2. Ghi nhớ các lưu ý trước khi chăm sóc phôi nấm

Khi vừa đem phôi nấm về, bạn sẽ cần để cho phôi nấm nghĩ khoảng 5 ngày trong môi trường khô ráo và thoáng mát, không tưới nước, việc này giúp cho những cục phôi nấm được hồi lại sức sau quá trình vận chuyển. Có thể là đặt bên ngoài hoặc trong thùng xốp có mở nắp, thoáng và mát, không hầm bí.

Phôi nấm sau khi mở nắp cần phải đặt hướng cổ phôi hơi chúi nhẹ xuống (như mái hiên ấy), không đặt ngang hay hướng lên, việc này giúp khi bạn tưới nước chẳng may lọt vô cổ phôi thì nước cũng dễ thoát ra, không bị đọng nước, gây hư phôi hoặc mốc xanh.

Bạn cũng có thể dùng một cái vỉ sắt (hay dùng nướng đồ ăn) hoặc 2 thanh gỗ hay gì đó để đặt trên một cái thau chứa 1/3 nước và để phôi nấm lên trên.

3. Hướng dẫn tưới phôi nấm đúng cách

Sau khi mang phôi nấm về và để phôi nghỉ ngơi tầm 3-5 hôm rồi thì lúc này bạn có thể tiến hành mở nắp và tưới nước lên phôi nấm được rồi nha.

Cách tưới phôi nấm khi trồng nấm tại nhà khá đơn giản, tuy nhiên bạn chỉ được tưới bên ngoài và chung quanh phôi thôi nhé, dưới đây gồm 2 cách tưới phôi ở 2 điều kiện mở nắp và đóng nắp.

Khi phôi nấm chưa được mở nắp, bạn có thể xịt trực tiếp nước lạnh lên phôi trong vài phút để tạo độ mát mẻ cho phôi nấm.
Khi phôi nấm đã được mở nắp bạn chỉ nên dùng một bình xịt phun sương để tưới lên trên bịch phôi nấm, tưới theo hướng từ trên xuống hoặc xéo xéo một chút, chỉ tưới phun sương chung quanh môi trường trong vài hôm cho đến khi có nấm chui ra.
Mỗi ngày, bạn chỉ cần tưới 4-5 lần (lúc trời nóng) và 1-2 lần (lúc trời mát mẻ có độ ẩm cao). Cụ thể thì mật độ tưới nhiều hay ít tuỳ vào tình hình thời tiết, nếu mưa liên tục, độ ẩm cao thì 1 ngày bạn chỉ cần tưới 1-2 lần, còn trời nóng thì cứ 4-5 lần như trên, không tưới ban đêm.

Cách tưới nấm khi trồng nấm tại nhà
Bình xịt thì các bạn có thể dùng loại to như bình xịt lau cửa kính hay loại nhỏ như bình xịt dung dịch lau mắt kính để tưới nấm phun sương là tương đối okey nhé.

Lưu ý: Không chỉa vòi và tưới trực tiếp hướng thẳng vào cổ phôi vì sẽ vô tình làm đọng nhiều nước ở cổ phôi.

4. Mẹo giữ ẩm cho phôi nấm tốt nhất

Với kinh nghiệm lâu năm của Nấm Khỏe, phôi nấm càng được cung cấp độ ẩm tốt nhất sẽ càng mau ra nấm và sản lượng sẽ đạt tốt nhất. Vậy nên để tránh những ngày bạn không thường xuyên có nhà như đi làm cả ngày thì hãy áp dụng mẹo sau.

4.1 Cách dùng khăn ướt tạo độ ẩm và giữ nhiệt

Bước 1: Bạn dùng một chiếc khăn sạch là khăn lông mềm bất kỳ, loại khăn dài và to như khăn tắm (nếu bạn trồng nhiều) và làm cho chiếc khăn ấy thật thấm nước, không vắt khô mà chỉ bóp nhẹ để khăn xả bớt nước ra, không bị nhiễu là được.

Bước 2: Bạn sẽ gấp chiếc khăn lại để cho chiều rộng vừa với chiều dài của phôi và phủ lên trên các cục phôi theo từng hàng nhé. Nếu bạn xếp 2 hàng (1 trên 1 dưới) thì hãy chuẩn bị 2 chiếc khăn.

4.2 Cách dùng khăn ướt kết hợp với thau nước

Để đảm bảo trong những ngày nắng nóng, bạn có thể áp dụng cách để phôi nấm trên 1 chiếc vỉ sắt (vỉ nướng) và đặt vỉ trên 1 cái thau hay 1 thùng nước có khoảng 1/3 hoặc 1/2 lượng nước (không cần nhiều) và đắp khăn ướt thêm bên trên, vậy là bạn an tâm đi cả ngày. Cách này hữu hiệu với người bận rộn thường xuyên vắng nhà.

Việc áp dụng các cách trên là để phôi không bị thiếu ẩm, luôn có đủ độ ẩm nhất định và giảm được việc bị hầm bí do nóng. Tuy nhiên không có gì là đảm bảo 100%, bạn vẫn nên thường xuyên theo dõi mỗi ngày mỗi khi về để tránh các vấn đề không mong muốn.

5. Mẹo thu hoạch nấm đúng cách để phôi bền bỉ

5.1 Thời gian thu hoạch nấm hợp lý

Khi bạn mang phôi về thì có thể khoảng trên dưới 10 ngày sau sẽ ra nấm, lúc này bạn có thể thu hoạch để chế biến được rồi nghen.

Tính từ lúc nấm nhú đinh ghim nhỏ ra chúng sẽ lớn khá nhanh, trong vài giờ là sẽ thành nấm nhỏ ló thân và vài tiếng nữa sẽ hình thành mũ nấm, cho nên bạn phải canh nhé, trung bình hơn 12 tiếng sau sẽ lớn rất nhanh. Bạn canh thu hoạch chừng 1-2 lần là bạn sẽ quen và biết thời điểm thu hái nấm lần sau.

5.2 Kích cỡ tai nấm hợp lý để thu hoạch

Khi thu hoạch thì sẽ tùy các bạn, bạn thích thu hoạch tai nấm lớn hay tai nấm nhỏ gì cũng được. Nhưng theo Nấm Khỏe thì để chế biến món nấm ngon nhất, bạn nên thu hoạch khi tai nấm đạt đường kính cỡ 4-5cm là chuẩn, tương đương 3 đốt của ngón tay.

Khi hái nấm, bạn thấy chùm nào đạt (có vài ba tai nấm đạt kích thước mong muốn) thì hái, đã hái là hái cả chùm luôn nha. Chùm nào chưa đạt thì bạn tiếp tục tưới đến khi đạt kích thước đều thì mới hái, hái đến lúc hết nấm thì ngưng nhen.

5.3 Mẹo thu hoạch đúng cách tiết kiệm thời gian

Cách thu hoạch nấm chuẩn nhất đó là khi hái, bạn giữ tay ngay thân nấm sát cổ phôi và lắc qua lắc lại nhẹ với một lực kéo nhẹ ra, như vậy khi bạn hái cả chùm nấm ra sẽ kéo được phần gốc ra theo (nấm không đứt ngang), cổ phôi sẽ sạch gốc cũ.

Lưu ý: Bạn nên dùng tay thu hoạch bằng cách lắc lư là tốt nhất sẽ hạn chế để lại gốc nấm, nhớ rửa tay thật sạch và dùng thau hoặc rổ để hứng nấm thu hoạch. Sau khi thu hoạch có thể dùng dao/kéo cắt bỏ phần gốc bám mùn cưa hoặc máu vàng còn sót lại.